Giá cả leo thang ăn sáng tại nhà tiết kiệm mỗi ngày
Sáng 1/8, cùng ngày tăng giá điện, cả nhà ông Đỗ Văn Hùng (quận 7) quây quần bên bàn ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí. Đã lâu lắm, gia đình ông mới có dịp ăn sáng chung tại nhà, nhưng không phải lâu lâu đổi khẩu vị cho lạ mà là một cách cắt giảm chi tiêu.
Cách ứng xử như gia đình ông Hùng có lẽ không hiếm trong thời buổi “gạo châu, củi quế” hiện nay. Ông Hùng bấm máy tính: “Bữa sáng cho bốn người gồm bốn gói mì loại 3.400 đồng/gói, 200g thịt bò trị giá 45.000 đồng. Rau sống 5.000 đồng. Không kể tiền gas thì mỗi người tốn 15.900 đồng”. Ông cho biết, chi phí ăn sáng như thế là thấp hơn so với ăn hủ tíu gần nhà (18.000 đồng/tô), nhưng chất lượng ăn cao hơn.
giá cả leo thang ăn sáng tại nhà tiết kiệm mỗi ngày
Giá tăng, khẩu phần ăn của nhiều đối tượng tiêu dùng giảm mạnh.
Hồi năm ngoái, gia đình ông Hùng vẫn còn có thể ăn sáng phở với giá trên 25.000 đồng/tô. Vốn vẫn xài tiền bình thường từ vài năm nay, nhưng rồi, ông Hùng buộc phải tính toán chi li khi thấy chưa đến lúc lãnh lương, túi đã hết tiền diễn ra trong thời gian dài.
Điện, xăng, nước, gas, sữa... là những thứ quá đỗi quen thuộc với mỗi gia đình. Nhóm hàng này, nhiều khi chiếm phân nửa số tiền chi tiêu hàng tháng nên hễ tăng giá lại tạo ra lo âu bao trùm lên cuộc sống, nhất là những người lao động thu nhập thấp. Nỗi lo lắng đó có thể đến từ người chạy xe ôm, xe ba gác phải chi thêm tiền đổ xăng, bà nội trợ gói ghém làm sao cho vừa bữa chợ, hay tiền sữa cho con teo lại.
Vừa chạy chiếc xe đạp về đến cửa phòng trọ, bà chủ nhà ném vào tay chị Đỗ Thị Luyến (công nhân may công ty Thái Bình, Dĩ An, Bình Dương) tờ giấy báo tiền điện tháng 7. Chưa kịp xem hết bao nhiêu, bà chủ nhà “ném” thêm một câu thông báo gọn lỏn: từ tháng sau mỗi kWh điện tăng thêm 500 đồng, 1m3 khối nước thêm 1.000 đồng.
Đối với những người công nhân, hai từ “tăng giá” dường như đã quá quen với họ. Khỏi cần lục lại trong sổ ghi chép, họ có thể đọc vanh vách tháng này giá điện, giá nước tăng thêm bao nhiêu, tiền phòng trọ đều đặn một năm tăng hai lần, bình gas mini cứ đầu tháng lại tăng 500 đồng. Và như thường lệ, cứ mỗi lần bà chủ nhà đến gõ cửa phòng thông báo tăng giá là y như rằng các thứ ở chợ, từ mớ rau, cá nục, vài con cá khô, chục trứng cũng tăng vài ba trăm đồng.
Chị Luyến cùng chồng quê Thanh Hoá vào làm công nhân may Thái Bình ngót mười năm. Hàng ngày, ngoài món ăn chính là cơm, cháo, trái cây, tiền gửi nhà trẻ, chị Luyến vẫn phải dành dụm riêng ra một khoản tiền sữa cho con. Chị nhẩm tính: tiền ăn cả nhà mỗi tháng 4 triệu đồng, tiền nhà 1 triệu; tiền học hai đứa con 3 triệu, sữa 1 triệu, điện, nước, xăng và các chi phí khác khoảng 1 triệu nữa là vừa hết thu nhập trong tháng.
Các khoản chi này mới là tính cho lúc giá cả chưa tăng, nhưng từ tháng 7, chị Luyến cho biết riêng khoản tiền điện tăng thêm 50.000 đồng, tiền nước 7 khối tốn thêm 7.000 đồng, tiền gas 8.000 đồng, tiền sữa khoảng 20.000 đồng cho ba thùng sữa cô gái Hà Lan. Tổng cộng hết 85.000 đồng, vừa bằng số tiền ăn sáng bằng mì gói của hai vợ chồng trong tháng. “Có lẽ phải tính đến cắt bữa ăn, vì từ tháng sau công ty lại không có đơn hàng để tăng ca nên thu nhập của hai vợ chồng chỉ còn 7 triệu đồng lương cơ bản thôi”, chị Luyến bần thần cho biết.
85.000 đồng của chị Luyến không là “muỗi” với nhiều người. Quan sát ở chợ, chúng tôi chứng kiến một bà cụ nài nỉ người bán tìm cho một trái dưa hấu 11.000 đồng, vì sau khi mua các thứ, bà chỉ còn đúng 11.000 đồng. Người bán lựa dưa, đặt lên cân mãi mà không có trái nào nhẹ đủ 11.000 đồng. Bà cụ bẽn lẽn đi về!
Chị Nguyễn Thị Ngà, nhân viên trong toà nhà Bitexco, quận 1, chia sẻ nỗi lo: giá điện tăng chỉ có vài chục đồng, nhưng quy luật như hàng chục lần trước đây, là sau đó giá thực phẩm, hàng hoá tăng lên theo. Với mức lương cả hai vợ chồng được 15 triệu đồng/tháng, chị Ngà lo lắng nếu chi phí đời sống tăng lên thì vợ chồng chị khó mà chăm lo chu đáo cho hai đứa con đang học mẫu giáo và cha mẹ già.
Chị chia sẻ: “Tôi vừa mua sắm quần áo đồng phục và đóng tiền học đầu năm cho hai con hết gần 5 triệu đồng; mua thuốc cho cha mẹ già hết 1,5 triệu đồng. Trong khoảng 9,5 triệu đồng còn lại thì phải dành 1 triệu đồng cho tiền điện, nước, phí đổ rác; 500.000 đồng cho tiền gas; 3 triệu đồng mua sữa cho hai con. Tính ra chỉ còn 5 triệu đồng lo chi phí ăn uống, sinh hoạt, giao tế và dự phòng rủi ro”. Chồng chị Ngà nói thêm: “Khi xăng tăng, mỗi tháng tiền xăng của hai vợ chồng đội thêm gần 200.000 đồng, nếu tính gas tăng thêm hơn 40.000 đồng/bình, tiền điện tháng này có thể phải tăng khoảng 30.000 đồng... Mỗi thứ tăng một chút làm người lao động như chúng tôi ngày càng hụt hơi”.
Đồng tâm trạng bi quan, chị Lê Thị Tuyền ngụ ở quận 8, cho biết dù có lương cả chục triệu đồng mỗi tháng, nhưng chị vẫn canh cánh chi phí sinh hoạt ở Sài Gòn cao quá, làm sao nuôi nổi ba đứa con. Vì hiện nay chỉ riêng tiền học bán trú và tiền ăn của ba đứa con đã hết hơn 7 triệu đồng. Ba triệu còn lại phải tính toán chi li lắm mới đủ tiền ăn uống cho cả gia đình. Chị Tuyền bảo: “Đã cắt hết các khoản đi ăn cuối tuần, cho con đi nhà sách mua sắm... nhưng nếu giá cả tăng thì chưa biết phải làm sao”.
Hầu như tất cả các gia đình mà chúng tôi tiếp cận, đều đồng thanh điệp khúc tiết kiệm. Điều này đồng nghĩa với việc sức mua sẽ giảm thêm, gây khó cho sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh khó thì thu nhập người dân thấp hơn. Một vòng xoáy gian nan cho nền kinh tế...
Theo Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét