Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Chiến binh cuối cùng trong tổ bắt sống tướng Đờ Cát


Một lần vào phòng truyền thống sư đoàn, anh Hạnh bất ngờ nhìn thấy bức ảnh chụp cha mình, nhưng chú thích phía dưới lại đề “Đào Văn Hiến, người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát”.

Hoài niệm đồng đội

Tôi nhận lời giúp đại tá Hoàng Đăng Vinh tìm lại địện thoại đồng đội cũ là ông Đào Văn Hiếu, quê ở xã Nga Hưng (Nga Sơn, Thanh Hoá). Tuy nhiên, khi liên lạc với Hội cựu Chiến binh huyện Nga Sơn, tôi được nhiều người ở đây cho biết ông Hiếu đã mất. “Bố tôi mất đến nay được gần một năm, do vết thương cũ tái phát”, anh Đào Văn Hạnh, con trai ông Hiếu cho biết cụ thể.

Khi lên Khu Tập thể Công binh tại thành phố Bắc Ninh gặp ông Vinh, tôi thấy ông mắt đỏ hoe, ngồi lặng vì thương đồng đội. Hồi lâu, ông kể: "Ngày 7/5/1954, khi bắt sống tướng Đờ Cát, đơn vị chúng tôi chỉ còn 5 người là đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng Vinh, Nhỏ, Hiếu, Lam.


Bác Hồ gắn Huy hiệu Điện Biên cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh (Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình).


Đến dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và anh Bùi Văn Nhỏ mất, còn hai đồng đội khác là Hiếu và Lam lại bặt tin. Vì vậy, trong lần trò chuyện với phóng viên, tôi có nói: “Không biết Hiếu, Lam bây giờ ở đâu?”".

Qua trò chuyện với ông Vinh, rồi hỏi chuyện anh Đào Văn Hạnh và ông Nguyễn Văn Hùng (tác giả bài “Anh Hiếu vẫn còn sống”, hiện là Thường trực Hội Cựu chiến binh huyện Nga Sơn), tôi được biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện tìm ra ông Hiếu. Năm 1974, ông Hiếu xuất ngũ rồi về quê sinh sống.

Việc ông Hiếu tham gia bắt tướng Đờ Cát ít được nhắc đến, bản thân ông cũng không nói lại chuyện này cho ai. Mãi sau, anh Đào Văn Hạnh đi bộ đội lại vào chính sư đoàn 312, đơn vị mà cha anh từng chiến đấu năm xưa và tham gia bắt sống tướng Đờ Cát. Một lần vào phòng truyền thống sư đoàn, anh Hạnh bất ngờ nhìn thấy bức ảnh chụp cha mình, nhưng chú thích phía dưới lại đề “Đào Văn Hiến, người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát”.

Anh Hạnh về nói lại chuyện này với bố, và lúc này ông Hiếu mới xác nhận mình từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát, còn tên có lẽ nhầm giữa hai chữu và n. Một thời gian sau, bài báo “Hiếu và Lam bây giờ ở đâu?” được đăng, ông Hùng biết chuyện và viết hồi âm.

Rồi ông kể thêm với tôi: "Sau khi chuyển đơn vị khác vào năm 1955, đây là lần thứ hai tôi có dịp gặp lại đồng đội cũ cùng bắt tướng Đờ Cát. Lần đầu là dịp được gặp lại đại đội trưởng Tạ Quốc Luật vào năm 1976, khi tôi được dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Một buổi tối, anh Tạ Quốc Luật đến khách sạn Thắng Lợi gặp tôi. Anh ôm tôi và nói: “Chúc mừng Vinh nhé”".

“Khi nghe tin anh Luật mất, tôi đã đến nhà thắp hương tưởng nhớ anh. Anh mãi là Đại đội trưởng của tôi”, ông Vinh nói.

Sau khi tìm được đồng đội, đến năm 2000, ông Vinh đã báo với đơn vị cũ biết để mời ông Hiếu đến dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 312. “Bấy nay, trong tổ bắt tướng Đờ Cát chỉ còn tôi với anh Hiếu. Nay anh Hiếu lại không còn, anh Lam bao năm vẫn bặt tin. Chẳng lẽ... đến nay chỉ còn mình tôi”, ông Vinh nghẹn ngào khi nhớ về đồng đội cũ.

Ký ức Điện Biên

Đầu buổi trò chuyện đến giờ, tôi thấy đại tá Hoàng Đăng Vinh luôn cầm chiếc Huy hiệu Điện Biên trên tay. Hỏi chuyện quanh chiếc huy hiệu này, tôi biết thêm một chi tiết mà xưa nay chưa được đề cập rõ: Đó chính là chiếc huy hiệu trước nhất được tặng cho những người tham gia chiến dịch Điện Biên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông Hoàng Đăng Vinh (thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.


Hồi đó, sau chiến thắng ít ngày, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh cùng 4 chiến sĩ khác có thành tích trong chiến dịch Điện Biên được chọn lọc để Bác Hồ tặng những chiếc Huy hiệu Điện Biên trước nhất nhân dịp sinh nhật lần thứ 64 của Người. Khi đó, dù ông Vinh đứng thứ hai trong hàng, nhưng trước khi trao Bác hỏi: “Ở đây chú nào trẻ nhất?”.

Một chiến sĩ trong hàng vội thưa: “Thưa Bác, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh trẻ nhất, mới 19 tuổi ạ”. Bác cười: “Vậy Bác sẽ gắn Huy hiệu Điện Biên cho chú Vinh trước tiên”.

Ông Vinh kể: "Trước khi được Bác Hồ tặng Huy hiệu Điện Biên, lần đầu tôi được nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó, Đại tướng cũng hỏi tuổi tôi, rồi hỏi làm thế nào chỉ huy được tiểu đội? Tôi đã trả lời: Em bắt chước những tiểu đội trưởng đi trước, và trong mọi trận đánh em đều lao lên trước”.

Đại tướng khen: “Tốt lắm, đồng chí Vinh như thế là dũng cảm. Nhưng nhớ vừa học tập người đi trước, cũng cần phải biết sáng tạo để chiến đấu có hiệu quả”. Đến dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976, ông Vinh được gặp lại Đại tướng. Sau khi bắt tay mọi người, Đại tướng nhắn nhủ: “Nhiệm vụ quân đội ta lúc này rất nặng nề, chúng ta vừa phải sẵn sàng chiến đấu, nhưng cũng phải tham gia phát triển kinh tế”.

Rồi ông kể tiếp, lần cuối được gặp Đại tướng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi đó, đang ở phía dưới, bất ngờ ông nghe Đại tướng hỏi: “Đồng chí Vinh có đây không?”.

Ông Vinh vội chạy lên chào Đại tướng. Bắt tay chiến sĩ cũ, Đại tướng nói: “Sau 50 năm còn gặp lại nhau như thế này là hạnh phúc lắm rồi”. “Lời nói ấy đến giờ vẫn văng vẳng bên tôi. Vậy mà dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, Đại tướng lại không còn nữa...”, ông Vinh rưng rưng nước mắt, nói.

Ông Hoàng Đăng Vinh bên những bức ảnh kỷ niệm về Điện Biên Phủ.


Sau khi được nhận Huy hiệu Điện Biên không lâu, Hoàng Đăng Vinh lại được triệu tập để đoàn làm phim của đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Roman Carmen thực hành một số cảnh quay về chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, người chiến sĩ trẻ có dịp gặp lại tướng Đờ Cát. Khi đó, một cán bộ điện ảnh Việt Nam chỉ anh và hỏi tướng Đờ Cát: “Ông có biết anh này là ai không?”.

Đờ Cát trả lời: “Tôi đã gặp anh này rồi”, và nói tiếp: “Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh”. Lời nói đó khiến Hoàng Đăng Vinh sẵng giọng đáp ngay: “Ông chỉ huy thế nào được tôi, vì chính tôi và đồng đội đã vào hầm tóm cổ ông ra”. Lời nói ấy khiến Đờ Cát cúi mặt. Sau cảnh quay, người quay phim của đoàn làm phim lại gần Vinh và tặng anh một chiếc huy hiệu Đoàn của Liên Xô (cũ).


Theo Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét