Chỉ trong hai tháng cuối năm 2010, khoa Laser- phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Viện Da liễu quốc gia, Viện Quân đội TW 108, Viện Nội tiết TW liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân đề nghị làm phẫu thuật sau khi đã đi thẩm mỹ bằng tia laser. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không thể phẫu thuật tạo hình lại được vì di chứng do thẩm mỹ bằng tia laser để lại quá nặng
Nhiều chia sẻ cho biết
Bà Hoàng Thị Hồng Hà (ở Hải Dương) cho biết: Người bạn thân giới thiệu đi thẩm mỹ laser. Bà chi đã hơn 20 triệu đồng nhưng mặt vẫn không hết tàn nhang, nám và mụn cơm. Sau mỗi lần điều trị, mặt bà càng nặng và tức da. Cứ dừng uống thuốc là những chỗ phẫu thuật bằng tia laser lại mẩn lên các vết màu đen, màu đỏ, da sần sùi như da cóc.
TS Nguyễn Tiến Trường - Viện Quân đội TW 108 cho biết: Laser dùng cho y học có 2 nhóm chính là nhóm dùng để cắt đốt, chủ yếu là laser CO2 có tác dụng giống như con dao điện, có thể điều trị hiệu quả nhanh, không gây chảy máy với những trường hợp sùi mào gà, hạt cơm, u mềm, u cục trên da. Nhóm thứ hai là laser độ xung ngắn Q-Switched. Tia laser này được dùng để xóa các sắc tố trong da, xóa mực xăm; chăm sóc thẩm mỹ là có thể làm căng da mặt, trẻ hóa da, kích thích cơ thể tăng sinh collagen và elastin dưới da, giúp da mịn màng hơn. Tuy nhiên, biến chứng từ sử dụng các phương pháp này là rất lớn và hậu quả nặng nề, khó khắc phục.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hằng (Bệnh viện Thanh Nhàn) khẳng định: Laser có thể xóa bớt được những vết nám, tàn nhang, không làm cho nó sâu thêm. Đối với những vết có lông mọc ở trên thì laser không thể loại bỏ hết được và nguy cơ để lại sẹo rất cao. Theo TS Nguyễn Sỹ Hóa, Phó Viện trưởng Da liễu Quốc gia thì nhiều bệnh nhân đã bị tai biến nặng nề sau khi làm thẩm mỹ trị mụn, xóa xăm, xóa nốt ruồi, bớt, sẹo... bằng laser tại những cơ sở không có chuyên môn sâu. Có trường hợp không thể khắc phục được. TS Hóa phân tích: Tia laser không thể trị được hết các loại bệnh ngoài da, nhất là đối với tàn nhang, nám và bệnh rậm lông chân, tay. Bệnh nhân Trần Thị Hằng Nga (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đến cơ sở thẩm mỹ để chữa chứng rậm lông chân. Hậu quả, lông chân không giảm mà chân bị bỏng và thêm nhiều vết sẹo do laser đốt cháy. Những vết thương mới đó, bệnh nhân không thể điều trị bằng tia laser được nữa mà phải điều trị bằng kháng sinh và bôi thuốc giảm sẹo.
Lời khuyên của chuyên gia
Bà Phạm Thị Hồng Loan, thành viên của Hội laser ngoại khoa Hoa Kỳ, tại Việt Nam phân tích: Tia laser có nhiều tác dụng trong đời sống, trong hoạt động của y tế. Tác dụng tức thì là nhìn thấy ngay nhưng tiềm ẩn bên trong là hậu quả khôn lường vì những biến chứng do laser gây ra trên thực tế có thể khác xa so với lý thuyết. Sử dụng tia laser như thế nào trong điều trị thẩm mỹ cũng là cả một quy trình khắt khe. Bác sỹ ở bệnh viện, người có chuyên môn về y vẫn phải học cách sử dụng máy, học các phương pháp, thao tác máy khi điều trị các loại bệnh khác nhau để với bệnh này thì tiết chế tia laser vừa thì đủ, bệnh kia mạnh ở tần số cao, bệnh thường thì chỉ cần tần số thấp. Còn ở các trung tâm thẩm mỹ thì người trực tiếp sử dụng máy đã ít, thậm chí không có chuyên môn về y học lại chỉ học sử dụng tia laser trong một khóa đào tạo ngắn hạn, có khi là người này truyền kinh nghiệm cho người kia thì làm sao mà điều trị bệnh có hiệu quả được và rất dễ dẫn đến biến chứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét