Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) vừa công bố danh sách Top 5 đặc sản gỏi nổi tiếng Việt Nam trong đó có 3 món gỏi cá bao gồm: gỏi cá nhệch Tràng Cát (Hải Phòng); gỏi cá mè (Bắc Giang); gỏi cá trích Phú Quốc (Kiên Giang).
Đây là nhận xét không hề mang tính chủ quan mà được giới sành ăn và những đầu bếp danh tiếng khẳng định. Cá nhệch ở khu vực nước lợ Tràng Cát nổi tiếng vừa to, vừa chắc thịt ngọt làm gỏi thì chỉ có là… miễn chê.
Có hai loại nhệch được bán tại Hải Phòng, đó là nhệch thịt và nhệch xương, con nhệch thịt người nhẵn tròn như lươn. Trong đó, loài nhệch xương lại có khoảng xương sống chạy dọc sống lưng, nhệch này ngon nhất chỉ có xáo chuối đậu, chứ làm gỏi, chỉ có nhệch thịt, con có màu vàng óng.
Gỏi cá nhệch Hải Phòng ăn một lần nhớ mãi. (ảnh minh họa)
Theo tư vấn từ trang web mang tên chuyên gia ẩm thực nổi tiếng Việt Nam Long Chef, nguyên liệu để làm gỏi nhệch không cầu kỳ, toàn đồ “cây nhà, lá vườn” dễ kiếm, nhưng phải nhiều. Tính sơ sơ, làm ra món gỏi nhệch, ít nhất phải có 15 loại gia vị và rau gia vị khác nhau, nhưng nhiều nhất là giềng và bỗng rượu. Giềng để trộn nhệch còn bỗng rượu để làm nước chấm và nếu muốn ngon nữa, cần thêm chút bánh đa nem để cuốn.
Gỏi nhệch là món ăn dân tốc đúng nghĩa. Nó phải được làm và ăn theo kiểu dân dã, gỏi nhệch phải còn nguyên chất nhệch, cách thái, trộn gia vị cũng phải tuân thủ theo từng bước, loại gia vị nào cho trước, loại gia vị nào cho sau thì mới dậy mùi, chứ cứ cho bừa vào trộn đều, vị thơm ngon của món ăn tuyệt hảo này sẽ biến mất, nhiều khi còn có mùi tanh, không thể ăn nổi.
Bát dấm bỗng chấm nấu cũng là kỳ công, vì hương liệu dành cho nó cũng phải đầy đủ: chua, cay, mặn, ngọt. Bát dấm bỗng đưa ra phải thơm hương của men rượu, nhấm thấy vị ngọt ngào, cay tê tê ở đầu lưỡi, còn vị chua thì tự thân bát bỗng đã có.
Ăn gỏi nhệch, lá mơ, sắn thuyền, lá bứa, đinh lăng cần phải có đủ, cộng thêm chút rau gia vị như: mùi ta, các loại húng, khế chua, chuối xanh… Những loại rau gia vị này cho vào miếng bánh đa nem, cuộn thêm với 1 gắp gỏi nhệch trộn giềng và gia vị, cuốn lại cho chặt rồi chấm vào bát bỗng, có lẽ hiếm món gỏi nào sánh được.
Gỏi cá mè (Bắc Giang)
Cá mè vẫn mang tiếng là loài rất tanh thế nhưng khi nó được nhiều làng quê miền Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên... chọn làm món gỏi truyền thống thì không thể chê vào đâu được.
Tuy nhiên, để gạt bỏ ấn tượng về sự tanh của loài cá này, người ta phải tập trung vào việc chế biến hết sức công phu. Bí quyết để giữ cho cá tươi lâu khi lên bờ là người dân các vùng này bóc ngay mang cá khi đưa cá lên khỏi mặt ao để máu cá chảy ra, xoa đều toàn thân con cá để cá tươi hơn. Cá được chọn làm gỏi có cân nặng vừa phải chừng 1-2 kg để thịt ngọt và chắc.
Sauk hi làm sạch cá, người ta dùng dao sắc lọc lấy hai bên thăn cá. Tiếp đó, dùng giấy thấm thật khô, thái vát cho to bản. Dùng 3-4 củ gừng già giã nhỏ cho vào một cái tô to cùng với thịt cá mè, cho thêm một ly rượu trắng 45-50 độ và ít tiêu vào trộn đều, đậy nắp lại khoảng chừng 30-40 phút.
Vớt thịt cá đã được ướp ra một cái rổ cho ráo nước, thấy những lát cá ngã sang màu trắng pha lẫn với những tia màu hồng nhạt, các mép thịt cá quăn lên như vừa được nhúng vào nước sôi là món gỏi đã "chín". Cá đã được làm chín bằng gừng rượu, vớt ra để ráo nước, mặt miếng cá đã se se thì ướp thính, xếp cẩn thận các miếng cá thính ra đĩa lau thật khô.
Nước chấm gỏi được làm từ thịt con cá chép đực nặng khoảng 0,5 kg, cắt khúc, ướp riềng, nghệ, cà chua và bột ngọt, tiêu, hành, đun nhỏ lửa. Khi cá chín vớt ra vứt bỏ hết xương, đánh tơi toàn bộ thịt cá rồi nghiền nhỏ ra lọc qua chiếc rổ thưa, sau đó đổ vào xong đun lại cho sôi, nhắc xuống cho thêm lạc rang (đậu phộng) giã nhỏ trộn thành một thứ nước sền sệt màu vàng tươi có mùi thơm béo ngậy.
Ăn gỏi cá mè không thể thiếu các loại rau thơm làm gia vị như: lá đinh lăng, lá sung, lá cây mưng (cây lộc vừng), lá diếp cá, lá ngò tàu, lá ổi, lá mơ… Có nơi còn thêm vài quả sung ăn cùng.
Gỏi cá trích Phú Quốc (Kiên Giang)
Gỏi cá trích Kiên Giang đơn giản mà ấn tượng. Ảnh minh họa.
Gỏi cá trích nơi đây ngon, ấn tượng và gần gũi đến nỗi người xa quê hàng trục năm, lúc trở lại dù vội vàng đến mấy cũng nấn ná chờ được ăn một bữa rồi mới đi.
Cá trích có hai loại, cá trích lép và cá trích trâm, nhưng để làm được món gỏi ngon phải chọn cá trích lép vì thịt săn, xương nhỏ.
Làm gỏi cho một người ăn thường chỉ chọn một chục cá trích là vừa. Gỏi cá trích rất dễ làm cho nên, hầu như người dân biển bãi ngang nào cũng biết chế biến món này.
Rửa cá thật sạch, sau khi đánh vẩy, cắt bỏ đầu và lườn cá rồi thái mỏng. Cho chanh hoặc dấm vừa đủ làm tái thịt cá sau đó trộn gia vị ướp cá như : hạt tiêu, ớt, tỏi, gừng, muối và một ít bột ngọt. Món phụ gia quan trọng của gỏi là chuối chát xắt mỏng, bởi chuối sẽ “rút” hết chất tanh của cá. Cho chuối vào thịt cá đã ướp cùng một lượt với hành tây, đậu phụng và đặc biệt phải có bột gạo rang (có thể lấy bột bánh tráng nướng để thay thế).